Để website ổn định và có tốc độ nhanh thì hosting là yếu tố quan trọng nhất. Vậy hosting nào phù hợp với WordPress, cách chọn hosting cho wordpress như thế nào để tiết kiệm lại đáp ứng đủ nhu cầu của mình? Tất cả sẽ được chia sẻ trong bài viết dưới đây. Theo dõi cùng cauit.com nhé!
Google vẫn ưu tiên xếp hạng trong trình tìm kiếm của mình những trang có tốc độ tải nhanh. Vì vậy yếu tố đầu tiên cần quan tâm đến là tốc độ. Để có được sự lựa chọn hosting phù hợp thì trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu Hosting WordPress là gì? Các loại Hosting cho WordPress phổ biến hiện nay và Ưu nhược điểm của chúng!
Hosting WordPress là gì?
Ngoài ra WordPress Hosting cũng làm đơn giản hóa quá trình cài đặt WordPress và các plugin WordPress cần thiết.
Như bạn đã biết, Hosting là một trong 3 thành phần tối thiểu cần có để một website WordPress có thể hoạt động, bao gồm:
- Hosting (nơi lưu trữ dữ liệu của website)
- Domain (địa chỉ của website)
- Và mã nguồn WordPress được cài trên hosting.
Lưu ý: Chỉ wordpress.org mới cần mua hosting, anh em nào cần tìm hiểu chi tiết có thể xem bài viết: So sánh WordPress.org VS WordPress.com, Chọn nền tảng nào?
Xét về chức năng thì WordPress Hosting cũng như các loại Hosting khác. Nó đều là nơi lưu trữ mã nguồn, dữ liệu website, xử lý các yêu cầu từ người dùng như upload, download, duyệt web, v.v… hoạt động liên tục 24/24.
Khi người dùng gõ tên miền website (domain) vào trình duyệt sẽ được hệ thống DNS phân giải tên miền dẫn đến Hosting, mã nguồn WordPress sẽ xử lý sau đó web server trên hosting sẽ trả kết quả về trình duyệt người dùng.
Bạn có thể thấy Hosting là yếu tố quyết định đến tốc độ web, bảo mật, và hoạt động ổn định của một website.
WordPress yêu cầu Hosting như thế nào?
Các yêu cầu cơ bản dành cho Hosting chạy WordPress bao gồm:
- Hỗ trợ PHP phiên bản từ 7.4 trở lên
- Hỗ trợ MySQL phiên bản 5.6 trở lên, hoặc MariaDB phiên bản 10.1 trở lên
- Hỗ trợ HTTPS
- Hỗ trợ web server Nginx, Apache hoặc LiteSpeed
Các thông tin trên các nhà cung cấp hosting họ sẽ đều ghi rõ trên website của họ.
Bạn có thể thấy là WordPress không yêu cầu quá khắt khe về hosting, tuy nhiên đây chỉ mới là yêu cầu của bản thân mã nguồn WordPress; còn rất nhiều yêu cầu khác từ dự án và khách truy cập web của bạn sẽ cần nữa.
Và không phải nhà cung cấp WordPress nào cũng tốt như nhau! Tiếp tục đọc để chọn được hosting ngon nhất cho website WordPress của bạn nhé!
Các loại Hosting cho WordPress phổ biến nhất hiện nay
Đáp ứng tốc độ phát triển của website wordpress, các nhà cung cấp hosting đã đưa ra gói “Hosting WordPress”. Nhưng dù tên gọi thế nào thì Hosting dành cho WordPress cũng là 1 trong 3 loại sau:
- Shared Hosting: dễ quản lý – cài đặt và thường nhận được support kỹ thuật tốt hơn, có phần mềm Control Panel (cPanel, Plesk, Direct-Admin) để người dùng tự setup cấu hình và cài đặt Website.
- Managed Hosting: cũng tương tự Shared Hosting nhưng tài nguyên thường mạnh hơn, được support kỹ thuật – backup – bảo mật & tăng tốc ‘tận răng’.
- VPS – Máy chủ ảo: có tài nguyên máy chủ độc lập, nên mạnh mẽ – chịu tải tốt hơn nhiều so với shared hosting, nhưng khó cài đặt và quản lý vì đa số phải dùng dòng lệnh Linux, chứ không có Control Panel như shared hosting.
Chúng ta cùng đánh giá ưu nhược điểm của 3 gói hosting này nhé!
Ưu & Nhược điểm của Shared Hosting
4.1 Ưu điểm của Shared Hosting
- Giá rẻ: chính vì số lượng người dùng chung một server nên giá thuê của shared hosting thường là rẻ nhất trong tất cả các dạng hosting.
- Dễ sử dụng: shared hosting thường được cung cấp kèm bảng điều khiển cPanel nên rất dễ sử dụng.
- Không cần quản lý: việc quản lý hoặc nâng cấp server, hoặc khi có sự cố, nhà cung cấp shared hosting sẽ lo hết.
4.1 Nhược điểm của shared hosting
- Website thỉnh thoảng bị sập: vì có quá nhiều website ở trên cùng một server nên có thể gây quá tải và gây đứng web đôi lúc, nhà cung cấp nào càng tham lam bán nhiều tài khoản shared hosting thì dễ bị như vậy.
- Vận hànnh thiếu ổn định: cũng vì quá nhiều website xài chung tài nguyên nên việc tắc ngẽn hoặc máy chủ phản hồi chậm là điều khó tránh ở shared hosting.
- Vấn đề về bảo mật: đây là nhược điểm không thể tránh được nếu sử dụng shared hosting; nếu một web nào đó bị hack thì xác xuất cao là các web khác trên server đó sẽ bị ảnh hưởng.
4.3 Shared hosting phù hợp với website nào?
- Những người mới không có kinh nghiệm về web hosting, bởi vì đã có nhà cung cấp lo rồi.
- Những ai mới bắt đầu mà muốn giảm chi phí lúc đầu.
- Các website mới hoặc có lượng truy cập còn ít.
Xem thêm: Sự khác nhau giữa Shared Hosting và WordPress Hosting
Ưu & Nhược điểm của VPS (Virtual Private Server)
VPS còn gọi là máy chủ riêng ảo, nó được tạo ra bằng công nghệ ảo hóa để chia tách một máy chủ vật lý thành các VPS. Mỗi VPS có tài nguyên về CPU, RAM, v.v… riêng rẻ với công nghệ ảo hóa phần cứng KVM; tải khoản VPS này sẽ không ảnh hưởng đến VPS khác.
VPS cung cấp cho bạn một server đầy đủ tính năng như một máy chủ vật lý, bạn có thể cài đặt hệ điều hành, cài các phần mềm, tối ưu mọi thứ theo ý thích. VPS bảo mật hơn và hoạt động ổn định và chịu tải tốt hơn nhiều so với shared hosting.
5.1 Ưu điểm của VPS hosting
Nếu bạn đang tìm hiểu nên chọn loại hosting nào cho website, việc tìm hiểu ưu điểm và nhược điểm của mỗi loại là rất quan trọng.
Sau đây sẽ là những ưu điểm của VPS:
- Giá rẻ hơn Dedicated server: Có thể nói VPS là loại hosting cân bằng tốt nhất giữa khả năng tài chính với nhu cầu của khách hàng. Như trường hợp của mình nhét nhiều website vô một VPS vẫn chạy phà phà nên tính ra giá còn rẻ hơn cả shared hosting.
- Toàn quyền tối ưu: Với VPS bạn có toàn quyền setup y chang như cài một máy tính mới mua, có quyền đập đi xây lại, tối ưu mọi mọi thứ theo ý thích. Điều này không làm được với shared hosting.
- An ninh hơn: Mình đang so sánh với shared hosting nhé, với VPS thì số lượng tài khoản hosting trên một server sẽ ít hơn và ông nào riêng ông đó không có ăn nằm chung như ông shared hosting. Còn với shared hosting, nếu ông láng giềng dính sida ghẻ lở như bị dính malware, virus, v.v… cũng liên lụy tới mình luôn!
- Mạnh mẽ hơn: Chạy nhanh và ổn định hơn. Tất nhiên rồi, số lượng tài khoản VPS trên một server ít hơn nhiều so với shared hosting mà, hơn nữa tài nguyên tách riêng rạch ròi của ai nấy xài, ông khác không được chôm chỉa.
5.2 Nhược điểm của VPS hosting
- Giá cao hơn shared hosting một chút.
- Khó sử dụng hơn shared hosting, chủ yếu phải sử dụng dòng lệnh.
- VPS có mạnh hơn shared hosting hay không lại phụ thuộc vào bàn tay tối ưu của bạn, không biết tối ưu có khi lại còn thua cả shared hosting.
5.3 VPS hosting phù hợp với website nào?
- Các website có lượng truy cập khá yêu cầu độ chịu tải cao, thường thì mọi người hay bắt đầu với shared hosting, sau đó khi web có lượng truy cập tăng lên sẽ đổi qua VPS.
- Những ai có kiến thức về web hosting.
- Những ai muốn vọc và muốn tối ưu mọi thứ tốt hơn.
- Website của bạn cần cài các phần mềm mà shared hosing không đáp ứng được.
Cloud Server / Cloud Hosting
Cloud Server còn gọi là Cloud VPS hoặc Cloud Hosting là một dạng VPS nhưng dựa trên công nghệ điện toán đám mây (Could Computing).
Khác với VPS truyền thống, Cloud VPS hoạt động trên cụm rất nhiều máy chủ thay vì việc ảo hóa và phân tách tài nguyên chỉ trên một máy chủ vật lý.
Khi một máy chủ nào đó gặp sự cố thì Cloud VPS vẫn hoạt động bình thường nhờ tài nguyên được phân bổ giữa các server.
Nhờ vậy Cloud VPS sẽ hoạt động hiệu quả và ổn định hơn, khả năng mở rộng tài nguyên dễ dàng.
Dedicated Server
Khi bạn thuê Dedicated Server có nghĩa thuê máy chủ vật lý riêng “một mình một ngựa”, hoàn toàn không có ảo hóa hay chia tách gì hết.
Bạn có toàn quyền thực sự để cài đặt, cấu hình, quản lý nó theo ý thích. Đây là loại hosting đắt nhất trong các loại mình kể ra trong bài này.
7.1 Ưu điểm của Dedicated Server:
- Bạn thực sự toàn quyền quản lý cả phần cứng lẫn phần mềm của server, thích cài đặt cầu hình tùy ý.
- Bạn hoàn toàn độc lập vì không phải xài chung với bất cứ ai khác.
7.2 Nhược điểm của Dedicated Server:
- Giá thuê siêu chát, đắt nhất trong cái loại web hosting.
- Cực kỳ khó cài đặt, cấu hình và quản lý nó.
7.3 Dedicated Server phù hợp với website nào
- Dedicated Server sẽ cần cho website có lượng truy cập cực lớn hoặc phải xử lý các ứng dụng cực khủng.
- Các doanh nghiệp lớn thường hay sử dụng Dedicated Server và có IT để quản lý.
Managed WordPress Hosting / Managed Cloud Hosting
Dịch vụ hosting này bản chất là tổng hợp các ưu điểm của Shared Hosting và Cloud Server lại với nhau để phục phụ đối tượng khách hàng có nhu cầu sử dụng một Cloud Server mạnh mẽ nhưng lại không có kiến thức nhiều về web hosting và cần sự hỗ trợ như ở Shared Hosting.
Với dịch vụ Cloud Server hoặc VPS thông thường bạn phải tự cài đặt và quản lý server khi thuê (còn gọi là Unmanaged VPS). Tức là bạn chỉ thuê server và trả tiền cho việc thuê nó. Họ chỉ hỗ trợ khi có sự cố về đường truyền, phần cứng này nọ thôi, còn lại bạn phải tự xử hết.
Với Managed WordPress Hosting hoặc Managed Cloud Hosting, nhà cung cấp sẽ thay mặt bạn thuê Cloud Server từ các nhà cung cấp như VULTR, Linode, DigitalOcean.
Sau đó họ sẽ cài đặt và tối ưu tất cả mọi thứ làm sao tối ưu nhất cho website WordPress, vận hành nó, giúp đỡ bạn khi có bất kỳ yêu cầu gì, giống như lúc bạn sử dụng Shared Hosting.
Bạn sẽ được hỗ trợ tận răng với tất cả các tiện ích tốt nhất dành cho WordPress.
Nhược điểm là giá thuê khá cao bởi vì bạn phải trả thêm chi phí cho đội ngũ kỹ thuật chăm sóc hỗ trợ.
Những lưu ý khi thuê Hosting cho website WordPress
Bạn nên xem xét những yếu tố này khi chọn mua Hosting cho website WordPress.
9.1 Các thông số kỹ thuật của hosting cần lưu ý
Bạn chỉ cần chú ý tới các thông số kỹ thuật chính sau đây:
- Dung lượng lưu trữ (Storage): với website như giới thiệu doanh nghiệp hay tin tức thì dung lượng lưu trữ cỡ 1GB-3GB là dư sức, còn với website như kiến trúc hoặc photo studio thì sẽ tốn nhiều dung lượng hơn và thường phải thuê thêm gói hosting chuyên để lưu trữ hình ảnh;
nên nhớ là dung lượng lưu trữ là giới hạn, có nhiều gói hosting họ quảng cáo lưu trữ không giới hạn nhưng điều đó không chính xác, vì họ lại giới hạn bằng số lượng file được upload lên host.
- Băng thông (Bandwidth): web càng nhiều truy cập, nhiều thao tác download và upload, file dung lượng lớn, v.v… sẽ cần nhiều băng thông. Băng thông tính bằng tổng lượng download / upload hàng tháng.
- Hỗ trợ các phiên bản PHP và MySQL hoặc MariaDB mới nhất để đảm bảo tương thích và bảo mật.
- Hỗ trợ SSL hoặc HTTP2: chứng chỉ SSL hoặc giao thức HTTP2 hiện nay đều có tầm ảnh hưởng đến SEO.
- Sử dụng Nginx hoặc Litespeed Web Server để có hiệu suất cao nhất.
9.2 Datacenter location (vị trí máy chủ)
Ưu tiên chọn hosting có vị trí đặt server ở gần với người dùng web nhất để tốc tải trang là nhanh nhất.
Về lý thuyết thì nếu khách truy cập web phần lớn là từ Việt Nam thì bạn sẽ ưu tiên chọn hosting Việt Nam, lý thuyết là thế tuy nhiên thực tế sẽ khác mà mình sẽ nói ở phần dưới.
Để khắc phục, rất nhiều các web Việt Nam (bao gồm cả cauit.com) sẽ chọn nhà cung cấp hosting quốc tế có datacenter gần Việt Nam như Singapore, Hongkong, Tokyo, Seoul, Ấn Độ sẽ có tốc độ truy cập web từ Việt Nam rất nhanh.
9.3 Hoạt động ổn định (uptime)
Đánh giá sự hoạt động ổn định của host thường người ta nhắc tới uptime là tỉ lệ thời gian hosting chạy trơn tru không có sự cố làm gián đoạn, và nhà cung cấp hosting nào cũng sẽ ghi con số này trên các gói hosting của họ là 99,99%!
Thực sự không phải như thế!
Các gói shared hosting rất khó để có được uptime 99.99%, bởi vì hàng trăm website cùng đặt trên server đã gây tắc ngẽn gây sự cố rồi, chưa kể khi có một website trên đó bị tấn công DoS thì sập cả đám; tình trạng DoS để phá hoại nhau xảy ra khá nhiều ở các nhà cung cấp host Việt Nam.
Sử dụng VPS, Cloud Server hoặc Managed WordPress hosting sẽ có được sự ổn định cao nhất nhờ ít phải chia sẻ và ảnh hường lẫn nhau.
9.4 Dịch vụ hỗ trợ khách hàng
Yếu tố này cực kỳ quan trọng, sự cố chắc chắn sẽ xảy ra trong quá trình sử dụng hosting, và xảy ra bất cứ lúc nào. Và chắc chắn bạn sẽ cần tới sự hỗ trợ từ đội ngũ kỹ thuật của nhà cung cấp hosting.
Và phần lớn các sự cố đến hosting lúc nào cũng cần giải quyết tức thời chứ không có chờ được. Do đó cần chọn nhà cung cấp phải có dịch vụ hỗ trợ tốt, sẵn sàng 24/24, quy trình xử lý nhanh không trì hoãn.
Ngoài ra đội ngũ hộ trợ phải được huấn luyện chuyên nghiệp và xử lý sự cố nhanh và chính xác nữa.
Ưu tiên nhà cung cấp hỗ trợ nhiều phương thức hỗ trợ nhanh như gọi điện hay live chat.
9.5 Chọn hosting trong nước hay hosting nước ngoài?
Chắc chắn bạn sẽ phải cân nhắc việc nên chọn hosting nước ngoài hay trong nước nếu như website của bạn dành cho user Việt Nam (user nước ngoài thì khỏi suy nghĩ cứ chọn host nước ngoài).
Mỗi lựa chọn có cái hay và cái dở, cùng tìm hiểu để quyết định nhé.
Ưu điểm của hosting trong nước:
- Về lý thuyết tốc độ truy cập từ Việt Nam sẽ nhanh do server đặt ở Việt Nam.
- Trên lý thuyết truy cập vào web được đảm bảo khi có sự cố đứt cáp quang đi quốc tế.
- Đăng ký không cần thẻ thanh toán quốc tế hoặc PayPal.
- Hỗ trợ tiếng Việt.
- Có thể xuất hóa đơn VAT.
Nhược điểm của hosting trong nước:
- Thiếu ổn định: vấn đề này xuất phát từ cả chủ quan lẫn khách quan của nhà cung cấp host; về chủ quan có thể hơi tham lam nhét quá nhiều tài khoản shared hosting lên server để tăng lợi nhuận; về khách quan thường hay bị đối thử chơi xấu DoS để phá hoại, vấn đề cạnh tranh không lành mạnh hay xảy ra ở Việt Nam mừ!
- Dịch vụ hỗ trợ còn yếu: nhân viên hỗ trợ kỹ thuật có trình độ chưa ổn, các phần mềm quản lý hay quy trình vận hành chưa tốt tên việc hỗ trợ còn chậm trễ.
- Giá đắt hơn so với hosting nước ngoài: giá thường cao hơn tính trên cùng lượng tài nguyên so với hosting của nước ngoài.
- Bot của các công cụ tìm kiếm như Google thường ở nước ngoài sẽ khó thu thập dữ liệu của web trong nước khi có sự cố đứt cáp quang
Ưu điểm của hosting nước ngoài:
- Server cấu hình cao, công nghệ mới và tiên tiến.
- Hoạt động ổn định và bảo mật tốt.
- Đội ngũ hỗ trợ chuyên nghiệp và có chuyên môn cao, phục vụ khách hàng hết nấc.
- Giá rẻ hơn nhiều so với hosting trong nước.
- Tốc độ truy cập website với server ở Singapore, Hongkong, Tokyo, v.v… nhanh như ở Việt Nam nếu không có sự cố đứt cáp đi quốc tế.
Nhược điểm của hosting nước ngoài:
- Không hỗ trợ bằng tiếng Việt.
- “Sấp mặt” khi đứt cáp quốc tế.
- Không có hóa đơn VAT.
Bạn nên chọn Hosting nào cho WordPress?
Nếu bạn là chuyên gia về Websever thì có lẽ bạn không cần đọc bài viết này cũng tự chọn cho mình được hosting cho wordpress phù hợp nhất.
Nhưng nếu bạn là người mới thì chân thành khuyên bạn tạm thời cứ chọn một Hosting ở Việt Nam. Sau này blog/website của mình lớn mạnh thì tính tiếp cũng chưa muộn.
Nếu bạn chưa chọn được nhà cung cấp thì bạn có thể tham khảo Hosting sever của Viettel, Hosting của tenten, hoặc gói hosting của Name Cheap (CND)
Hiện tại cauit.com đang dùng gói Failover SSD Hosting của tenten. Và mình cảm thấy phù hợp về giá thành và chất lượng.
Tổng kết
Mình đã phân tích tất cả ngóc ngách về WordPress Hosting và mình nghĩ bạn đã có đầy đủ thông tin để đưa ra quyết định rồi. Chúc bạn sớm tìm được chỗ chọn mặt gửi vàng nhé.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết của cauit.com nhé!
Qua bài viết: Hướng dẫn chọn hosting cho wordpress tốt nhất nếu vẫn còn thắc mắc hoặc cần tư vấn, hỗ trợ. Quý khách vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây:
Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết! Vui lòng chia sẻ bài viết nếu bạn thấy thông tin ở trên sẽ hữu ích với nhiều người.
Chúc bạn có bữa tối vui vẻ và hạnh phúc!