Network effect là gì? Network effect là hiệu ứng mà mỗi một người dùng gia nhập vào mạng lưới sẽ tạo thêm giá trị và cải thiện chất lượng cho cả mạng lưới đó. Một người dùng sẽ nhận được nhiều giá trị hơn từ một sản phẩm khi những người dùng khác tham gia cùng một mạng.
1. Network effect là gì?
Network Effects (Hiệu ứng mạng) là hiện tượng giá trị của một hàng hóa hoặc dịch vụ tăng khi càng nhiều người sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó. Điều này dẫn tới việc những người đang sử dụng hàng hóa, dịch vụ này từ trước sẽ được hưởng thêm nhiều giá trị từ sản phẩm, dịch vụ khi có người mới sử dụng.
Hiệu ứng mạng được đưa ra bởi Theodore Vail – Chủ tịch tập đoàn viễn thông AT&T của Mỹ từ năm 1885-1889 và 1907-1919 vào năm 1908. Ông đã sử dụng thuật ngữ “Hiệu ứng mạng” để xây dựng AT&T trở thành hãng truyền thông điện thoại độc quyền vào đầu những năm 1900. Sau này, Robert Metcalfe – kỹ sư và doanh nhân người Mỹ, người đã đóng góp vào việc tiên phong sử dụng Internet vào năm 1970 cho rằng “Hiệu ứng mạng” liên quan tới tầm quan trọng của việc nhiều người sử dụng Internet khiến nó trở nên có ích với mọi người.
2. Network effect có mấy loại
Hiệu ứng mạng được chia thành 2 loại: Hiệu ứng mạng trực tiếp và Hiệu ứng mạng gián tiếp trong đó.
Hiệu ứng mạng trực tiếp
Hiệu ứng mạng trực tiếp hay còn được gọi là hiệu ứng cùng phía (same-side effect) xảy ra khi càng nhiều khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ thì giá trị của sản phẩm dịch vụ đó càng tăng. Ví dụ kinh điển cho loại hiệu ứng mạng này là điện thoại. Điện thoại sẽ chỉ hữu ích nếu có nhiều người sử dụng.
Nếu chỉ có duy nhất một người sở hữu điện thoại thì chiếc điện thoại đó sẽ không có giá trị bởi nó không được dùng để liên lạc. Nhưng nếu có hai người sử dụng thì điện thoại sẽ có ích cho cả hai, và nếu mọi người đều sử dụng điện thoại thì mạng lưới điện thoại sẽ vô cùng giá trị đối với tất cả người dùng.
Hiệu ứng mạng gián tiếp
Hiệu ứng mạng gián tiếp hay được gọi là hiệu ứng chéo (cross-side effect) xảy ra khi một mạng lưới có nhiều hơn hai nhóm trao đổi lợi ích với nhau. Hai nhóm này thường được chia thành: người sản xuất và người tiêu thụ. Nếu càng có nhiều người tiêu thụ trong mạng lưới thì giá trị mà mạng lưới đem lại cho nhà sản xuất càng nhiều và ngược lại.
Ví dụ dịch vụ giao thông vận tải công nghệ Uber, càng nhiều người có nhu cầu gọi xe thì giá trị mà Uber đem lại cho tài xế tham gia dịch vụ này càng cao bởi nó đem đến cho tài xế nhiều cơ hội việc làm. Ngược lại, nếu ngày càng nhiều tài xế tham gia vào mạng lưới thì những người có nhu cầu gọi xe sẽ không phải chờ lâu và họ cũng sẽ được đưa đón ở nhiều địa điểm hơn, từ đó mạng lưới ngày càng giá trị.
Lưu ý rằng điểm khác biệt quan trọng giữa hai loại hệ thống mạng đó là kiểu người dùng tham gia vào hệ thống. Quay trở lại ví dụ về Uber, khi một tài xế mới tham gia vào Uber, giá trị tăng thêm cho những tài xế khác đã ở trong mạng lưới thường rất ít hoặc không có. Tuy nhiên, nếu có một khách hàng tham gia Uber thì Uber sẽ đem lại giá trị cho tất cả tài xế.
3. Cơ chế hoạt động của Network effect
Network effect giúp trải nghiệm dịch vụ ngày càng được cải thiện khi số người tham gia mạng lưới tăng lên, đồng thời nó cũng thu hút những người dùng mới – những người sẽ được hưởng lợi từ việc tham gia mạng lưới đó.
Network effect đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của dịch vụ xe ôm công nghệ. Ví dụ như Uber: Nền tảng này giúp hành khách tìm tài xế, và ngược lại. Khi các tài xế đăng ký làm tài xế Uber và làm tăng mật độ phủ sóng của Uber trong một thành phố, điều đó kích thích những bước tăng trưởng nhảy vọt.
Cánh tài xế nói với bạn bè mình về dịch vụ mà họ đang cung cấp; một vài người bạn trong số đó sẽ lại đăng ký lái xe cho Uber trong thời gian rảnh rỗi.
Thời gian chờ đợi xe của hành khách giảm xuống và thời gian chết (thời gian xe không có khách) của tài xế được giảm xuống. Thời gian chết ít hơn có nghĩa là tài xế vẫn có thể kiếm được một số tiền tương đương, mặc dù cước phí nhận được thấp hơn, bởi vì anh ta có nhiều hành khách hơn trong cùng một lượng giờ làm việc.
Thời gian chết ít hơn nghĩa là Uber có thể cắt giảm phí và kích thích nhu cầu sử dụng Uber tăng cao, tạo ra một vòng lặp làm tăng mật độ phủ hơn nữa. Khi nhiều tài xế trở thành một phần của Uber và Lyft, hai thương hiệu đã gia tăng giá trị thị trường. Uber là một ví dụ điển hình của hiệu ứng mạng. Hiệu ứng này cho thấy làm thế nào mà giá trị của Uber đối với mỗi người tham gia có thể tăng số lượng người dùng nhiều hơn nữa, thu hút thêm nhiều người dùng hơn nữa, do đó làm tăng giá trị của dịch vụ hơn nữa.
4. Network Effect và Network Externality
Mặc dù có những nét tương đồng, nhưng Network Effect và Network Externality là hai khái niệm khác nhau. Network Externality (tác động ngoại lai mạng lưới) là thuật ngữ mô tả hiện tượng cầu của một cá nhân phụ thuộc vào sức mua của những cá nhân khác.
Nói cách khác, xu hướng tiêu dùng của con người bị ảnh hưởng bởi việc người khác cũng mua sản phẩm đó. Ví dụ: khi bạn nhìn thấy một nhà hàng đông khách, bạn sẽ thử ăn ở nhà hàng đó thay vì ăn ở nhà hàng bên cạnh, bởi bạn tin rằng lựa chọn của đám đông chắc không sai. Xu hướng thời trang cũng phụ thuộc vào xu hướng tiêu dùng của khách hàng, nhiều người mua một mẫu áo sẽ biến nó thành xu hướng, và điều đó lại thu hút nhiều người mua mẫu áo đó hơn nữa.
Tác động ngoại lai tích cực (Positive network externality) là nguồn gốc cơ bản của hiệu ứng mạng. Nếu bạn có rất nhiều bạn bè trên Facebook, bạn cũng sẽ muốn có tài khoản facebook để kết nối với họ, đó là tác động ngoại lai tích cực. Khi bạn tham gia facebook, bạn thường xuyên đăng những nội dung chất lượng, điều đó dẫn tới nhiều người cùng có trải nghiệm tốt trên nền tảng này và tăng tương tác cho Facebook – như vậy bạn đã tạo ra một hiệu ứng mạng
5. Network effect trong kinh doanh
Hiệu ứng mạng đóng một vai trò quan trọng trong kinh doanh bởi các công ty có thể tạo ra được hiệu ứng mạng có khả năng đứng vững trước các tình huống căng thẳng, có tỷ lệ duy trì và tương tác khách hàng cao, có nhiều đặc điểm điển hình của sự độc quyền và có khả năng tồn tại bền vững trong một thời gian dài
Cách 1: Nhà kinh doanh có thể tận dụng Hiệu ứng mạng thông qua việc sử dụng những sản phẩm đã có giá trị cao. Họ có thể xem xét sản phẩm nào đang được nhiều người sử dụng và sử dụng nó trong hoạt động kinh doanh của mình.
Ví dụ thẻ tín dụng Visa được sử dụng bởi hàng triệu người trên toàn thế giới. Nhà kinh doanh có thể xem xét việc chấp nhận thanh toán bằng Visa để thu hút nhiều khách hàng đang sử dụng thẻ thanh toán đó.
Một ví dụ khác đó là tận dụng các nền tảng mạng xã hội đã vô cùng nổi tiếng và phổ biến như Facebook, Instagram, Youtube … để quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình.
Cách 2: Nhà kinh doanh có thể tạo ra Hiệu ứng mạng trong chính sản phẩm, dịch vụ của mình thông qua khuyến khích sự gắn kết, tương tác với khách hàng, và cung cấp sản phẩm chất lượng cao.
Lý do nhiều nền tảng mạng xã hội phát triển được hiệu ứng mạng bởi chúng thu hút và mang tính tương tác. Đây là một phương tiện giúp thu hút nhiều khách hàng mới tham gia và tạo dựng được nền tảng khách hàng để xây dựng giá trị ngay trong công việc kinh doanh.
Một khi mọi người gắn kết với sản phẩm hoặc dịch vụ, nhà kinh doanh có thể tập trung vào việc duy trì chất lượng của sản phẩm ở mức cao nhất có thể. Điều này sẽ khiến khách hàng gắn bó với sản phẩm, dịch vụ trong thời gian dài.
Trong trường hợp của Uber, hai chiều của thị trường đều tham gia để tạo ra hiệu ứng mạng: khách hàng thu hút các tài xế, tài xế thu hút lại khách hàng. Một động lực tương tự có thể thấy trong nhiều doanh nghiệp nền tảng khác. Trong trường hợp của hệ điều hành Android do Google sở hữu, các nhà phát triển ứng dụng thu hút người tiêu dùng, và người tiêu dùng thu hút các nhà phát triển ứng dụng.
Các trang thương mại điện tử, chẳng hạn như Etsy và eBay, người bán thu hút người mua, và người mua thu hút người bán. Và Airbnb, chủ nhà thu hút khách thuê nhà, khách thuê nhà thu hút chủ nhà. Tất cả các doanh nghiệp này thu hút các hiệu ứng mạng hai chiều với phản hồi tích cực.
Tầm quan trọng của những hiệu ứng này trong việc kích thích tăng trưởng mạng là rất lớn, nên các doanh nghiệp nền tảng thường sẽ chịu chi tiền để thu hút người tham gia vào một chiều thị trường. Họ hiểu rằng, nếu có thể thu hút được một chiều tham gia vào nền tảng, thì chiều bên kia của thị trường cũng sẽ bị thu hút theo.
Hiệu ứng mạng hai chiều với phản hồi tích cực giải thích vì sao Uber có thể huy động hàng triệu đôla từ các nhà đầu tư để giảm giá hàng trăm chuyến đi. Các chương trình giảm giá của Uber đã mua thị phần theo cách thu hút một vòng lặp lành mạnh giữa tài xế và hành khách, những người sau đó sẽ trả toàn bộ phí cho việc tham gia vào mạng lưới.
6. Nhược điểm của Network effect
Nhược điểm cũng là trở ngại chính cho doanh nghiệp muốn sử dụng Network effect là làm sao lôi kéo, thu hút đủ người dùng ban đầu để hiệu ứng mạng được giữ vững. Lượng người dùng cần thiết để tạo ra được “hiệu ứng mạng” được gọi là Critical mass (critical mass – khối lượng tới hạn là điểm mà tại đó một công ty đang phát triển có thể tự duy trì và không còn cần đầu tư bổ sung để tiếp tục hoạt động).
Sau khi đạt được khối lượng tới hạn, những người dùng mới sẽ bị thu hút vì những người dùng cũ cho họ thấy hàng hóa hoặc dịch vụ đó cung cấp nhiều tiện ích cho họ.
Nếu quá nhiều người sử dụng hàng hóa hoặc dịch vụ, tắc nghẽn có thể xảy ra. Sự tắc nghẽn là một hiệu ứng mạng tiêu cực. Đối với ví dụ Internet, quá nhiều người dùng trên cùng một dịch vụ mạng có thể làm chậm tốc độ mạng, làm giảm lợi ích cho người dùng. Do đó, các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ sử dụng Network effect phải đảm bảo có đủ khả năng để phục vụ tất cả người dùng.
7. Lưu ý về Network effect
- Network effect là hiện tượng khi số lượng người dùng tăng lên sẽ giúp cải thiện giá trị của hàng hóa hoặc dịch vụ.
- Các trang thương mại điện tử, như Etsy và eBay, đã trở nên phổ biến khi thu hút được nhiều người bán tham gia vào các thị trường này và bán sản phẩm của họ cho những người tiêu dùng thích mua sắm online.
- Một số công ty không thể đạt được khối lượng tới hạn – số lượng người dùng cần thiết để Network effect có thể giữ vững.
- Sự tắc nghẽn là một Network effect tiêu cực, theo đó quá nhiều người dùng có thể làm chậm mạng lưới, làm giảm tiện ích của nó và khiến cho người dùng khó chịu.
Lời kết
Qua bài viết này hy vọng các bạn sẽ hiểu hơn về bản chất của Network effect, cơ chế hoạt động của hiệu ứng này là gì, hiệu ứng này đã giúp các doanh nghiệp tạo được tiếng vang như thế nào và đâu là những khó khăn doanh nghiệp có thể gặp phải khi áp dụng hiệu ứng này.
Để phá bỏ rào cản giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, bạn cần nắm được những kiến thức về kinh doanh cũng như tư duy Marketing bài bản, từ đó tạo ra các chiến lược Marketing khôn khéo.
Qua bài viết: Network effect là gì? Cơ chế hoạt động của Network effect (Hiệu ứng mạng) nếu vẫn còn thắc mắc hoặc cần tư vấn, hỗ trợ. Quý khách vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây:
Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết! Vui lòng chia sẻ bài viết nếu bạn thấy thông tin ở trên sẽ hữu ích với nhiều người.
Chúc bạn buổi sáng tốt lành!